Hoạt Động Hội
Thứ Tư, 16/12/2015
Về cuộc họp Hội đồng Quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày 10 tháng 12 năm 2015 vừa qua Hôi đồng Quốc gia về PTBV và NCNLCT đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam. Có mặt 40 UV trên tổng số 43 UV Hội Đồng. Cuộc họp bắt đầu từ 14 giờ và kết thúc đúng 17 giờ 30, không có giải lao giữa giờ.
Cuộc họp thảo luận 2 vấn đề: (i) Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh Quốc gia; (ii) Báo cáo về mục tiêu PTBV (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Liên Hợp Quốc.

1.      Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh Quốc gia và phương hướng tới
 Trong năm 2013 Hội đồng thấy rằng NCNLCT đối với nước ta hiện nay là vấn đề sống còn để bảo đảm PTBV, nhất là trong thời gian tới sẽ hình thành “Cộng đồng ASEAN”, thực hiện các hiệp định thương mại VN với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và với 12 nước Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy Hội Đồng đã tập trung xây dựng và Dự thảo NĐ của Chính Phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh Quốc gia. Dự thảo này đã trình Chính Phủ và được Chính Phủ thông, ban hành thành Nghị quyết 19/NQ-CP, ngày 12 thang3 năm 2014.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19 NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2015

1.1. Tình hình chung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
Sau một năm triển khai Nghị quyết số 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo kết quả thực hiện của 10 Bộ và cơ quan, và của 15 UBND các tỉnh, thành phố. Nhìn chung còn nhiều Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuy có kế hoạch hành động, nhưng chưa thực hiện báo cáo định kỳ về kết quả thực thi Nghị quyết như yêu cầu.

Về phía các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là điển hình tốt trong triển khai Nghị quyết. Lãnh đạo thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong phạm vi thẩm quyền, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp. Hầu hết các đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tích cực thực hiện nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, bám sát các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bước đầu, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương đánh giá cao nỗ lực cải cách; ghi nhận và đánh giá tốt một số cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như về thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan.

Với việc thực hiện Nghị quyết 19 ngày 18/3/2014 và Nghị quyết 19 ngày 12/3/2015, Ngân hàng thế giới đã ghi nhận sự cải thiện về thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta. Theo báo cáo Doing Business 2016, thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90 (theo cách tiếp cận của Doing Business 2016), và có sự cải thiện ở 5 chỉ số, gồm: Khởi sự doanh nghiệp, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội, và Giải quyết phá sản doanh nghiệp. Những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng là do các Bộ, cơ quan đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 19 như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Đáng chú ý là trong các chỉ số có sự cải thiện, tiếp cận điện năng là chỉ số tăng bậc tốt nhất. Thời gian tiếp cận điện năng đã giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày (trong đó thời gian thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của ngành điện giảm từ 38 ngày xuống còn 14 ngày). Chỉ số Khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc (chưa tính đến những đổi mới của Luật Doanh nghiệp do thời điểm Ngân hàng thế giới kết thúc điều tra thì Luật Doanh nghiệp chưa có hiệu lực). Thời gian nộp thuế và Bảo hiểm xã hội được ghi nhận giảm 102 giờ (trong đó nộp thuế giảm 40 giờ và Bảo hiểm xã hội giảm 62 giờ), nhờ đó chỉ số này cải thiện được 4 bậc. Giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng 2 bậc nhờ có các quy định tiên tiến của Luật phá sản 2014.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, vẫn còn 5 lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc. Cụ thể là: (i) Thời gian thực hiện các thủ tục Cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày); (ii) Thủ tục Đăng ký sở hữu tài sản tăng lên (từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục), điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới; (iii) Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư chưa được ghi nhận cải thiện do thời điểm kết thúc điều tra thì Luật Doanh nghiệp chưa có hiệu lực; (iv) Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành; và (v) Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.

1.2.            Phương hướng thời gian tới (2016)
Kết luận thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra phương hướng hoạt động trong năm 2016 như sau:

- Cần tổng kết, đánh giá cụ thể địa phương nào, Bộ nào tích cực thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP thì cần phải tuyên dương, địa phương nào, Bộ nào thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP không tốt  thì cần phải phê bình, khiển trách;

- Năm 2016 tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, cần phải xác định chính xác các chỉ tiêu cạnh tranh nào yếu kém thì tập trung giải quyết;

- Bô sung thêm các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, đặc biệt là về công nghệ thông tin và chỉ tiêu về năng xuất lao động của ngành nông nghiệp;

- Chuẩn bị xây dựng Nghị quyết của Chính Phủ về sáng tạo và đàu tư mạo hiểm.

 II. TÓM TẮT 17 MỤC TIÊU PTBV TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 2030 VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) đã được Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới thông qua tại Hội nghị RIO + 10. Chương trình Nghị sự 21 đặt ra 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs). Đến nay, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới đã đề ra 17 mục tiêu PTBV với 169 chỉ tiêu, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững của Liên hợp quốc đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại Washington. Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả Các mục tiêu phát triển bền vững. Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030. Đây vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, vừa là đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của toàn cầu. Với tinh thần đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình tổng thể cho giai đoạn 15 năm, kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm, trong đó xác định những mục tiêu ưu tiên, những trọng tâm, trọng điểm theo một lộ trình phù hợp.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm tới với 17 mục tiêu PTBV và 169 chỉ tiêu, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối.

Các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của Liên Hợp Quốc được xây dựng dựa trên một quá trình đàm phán liên chính phủ và đề xuất của Nhóm làm việc mở về Các mục tiêu phát triển bền vững được thành lập từ sau Hội nghị Rio+20. Các mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển bền vững là không thể tách biệt, mang tính toàn cầu và có thể áp dụng ở mọi nơi, có tính đến sự khác nhau về điều kiện, khả năng và trình độ phát triển của các quốc gia và tôn trọng các ưu tiên và chính sách của quốc gia. Các mục tiêu được xem như là định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia sẽ đặt ra các mục tiêu phù hợp theo định hướng toàn cầu và xem xét tới bối cảnh của quốc gia. Các quốc gia sẽ phải quyết định cách thức lồng ghép những chỉ tiêu PTBV toàn cầu vào quá trình lập kế hoạch và xây dựng các chiến lược, chính sách của quốc gia. Liên hợp quốc đang tiếp tục thảo luận về phương thức thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và triển khai xây dựng các hướng dẫn, hệ thống chỉ số theo dõi, giám sát; dự kiến đầu năm 2016 sẽ hoàn thành và cung cấp cho các nước thành viên.

Trong khi Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015 tập trung chủ yếu tới các vấn đề xã hội, Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 đã gắn kết chặt chẽ ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển. Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030 bao gồm:

1. Mục tiêu 1. Xóa bỏ đói nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi. Trước đây tình trạng nghèo cùng cực được xác định là người có thu nhập dưới 1 USD/ngày, nay  tình trạng nghèo cùng cực được xác định là người có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày

2. Mục tiêu 2. Xóa đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững

3. Mục tiêu 3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi

4. Mục tiêu 4. Bảo đảm giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người

5. Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

6. Mục tiêu 6. Bảo đảm tính sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người

7. Mục tiêu 7. Bảo đảm sự tiếp cận nguồn năng lượng có giá cả phải chăng, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người

8. Mục tiêu 8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người

9. Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững và tăng cường đổi mới

10. Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia

11. Mục tiêu 11. Hình thành các thành phố và nơi định cư của con người toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững

12. Mục tiêu 12. Bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững

13. Mục tiêu 13. Hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu

14. Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại đương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững

15. Mục tiêu 15. Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất, quản lý rừng bền vững, chống lại tình trạng sa mạc hóa, ngăn chặn và phục hồi tình trạng suy thoái môi trường và ngăn chặn những tổn thất về đa dạng sinh học

16. Mục tiêu 16. Thúc đẩy các xã hội hòa bình và toàn diện vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và toàn diện ở mọi cấp độ

17. Mục tiêu 17. Tăng cường các phương thức triển khai và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững.

Bị chú: Tôi có bản chi tiết về các 17 mục tiêu PTBV và 169 chỉ tiêu cụ thể. Ai cần tham khảo báo cho tôi biết tôi sẽ gửi cho.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
Đại diện  VACNE tham gia Hội đồng Quốc gia về PTBV và NCNLCT
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo