Hoạt Động Hội
Chủ Nhật, 30/11/2014
Hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Lần thứ 3 “Chiến lược Quốc gia về phát triển Công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”
Đến nay, sau 1 năm 3 tháng kể từ ngày đề cương đề tài nghiên cứu xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020

Đến nay, sau 1 năm 3 tháng kể từ ngày đề cương đề tài nghiên cứu xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được thông qua vào tháng 8/2012, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và khoa học, đề tài đã biên soạn, sửa chữa hiệu chỉnh dự thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” lần thứ 3 và tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho bản dự thảo chiến lược ở khu vực phía Bắc vào ngày 29/11/2013 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyến Thanh Nghị đã tới khai mạc và chỉ đạo Hội thảo này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khai mạc Hội thảo

Tiếp thu ý kiến của các chuyêngia tại Hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo lần thứ 2 tổ chức vào tháng 8/2013, đề tài đã tiếp tục sửa chữa hiệu chỉnh và hoàn thiện dự thảo chiến lược lần thứ 3 và mở các Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo lần 3 ở khu vực phía Nam vào ngày 15/11/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo lần 3 ở khu vực phía Bắc, cũng là hội thảo lần cuối của đề tài được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/11/2013.

Đối tượng tham gia các hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo lần 3 ở cả 2 khu vực rộng rãi hơn, bao gồm đại diện các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc Quy hoạch, Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, Công ty tư vấn về thiết kế xây dựng; môi trường; phát triển bền vững, năng lượng và chuyên gia của các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, một lĩnh vực có tác động mạnh mẽ với môi trường và tài nguyên, có thể  tiêu thụ từ 40-70% tổng tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, phát sinh nhiều chất thải lỏng, chất thải khí và chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường trong chuỗi các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Quốc gia về “Tăng trưởng xanh”... đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyến Thanh Nghị đã tới khai mạc và nêu ra 5 định hướng quan trọng để hội thảo trao đổi và thảo luận.

Thay mặt đơn vị chủ trì thực hiện đề tài và hàng chục chuyên gia đầu ngành của quốc gia tham gia nghiên cứu xây dựng dự thảo chiến lược, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ nhiệm đề tài, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” lần thứ 3.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng trình bày báo cáo chính tại Hội thảo

 

Trên cơ sở hàng trăm trang tài liệu báo cáo chuyên đề của các chuyên gia, các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước; tham khảo hơn 10 tài liệu chiến lược phát triển công trình xanh, tổ chức hoạt động của Hội đồng xây dựng công trình xanh của các nước ở nhiều châu lục trên thế giới, hàng chục trang tài liệu dự thảo lần 1, lần 2 và các ý kiến góp ý của các chuyên gia, Chủ nhiệm đề tài đã chắt lọc để xây dựng dự thảo lần 3 với dung lượng 27 trang khổ A4. Ngoài các vấn đề Bối cảnh và sự cần thiết; Thực trạng, lợi thế và trở ngại; Quan điểm phát triển; Mục tiêu phát triển của chiến lược, Dự thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” lần thứ 3 đã đề cập tới 9 nội dung cơ bản của chiến lược phát triển công trình xanh của quốc gia, bao gồm: 1) Tạo lập và phát triển thị trường xây dựng công trình xanh; 2) Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn xây dựng có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển công trình xanh; 3) Xây dựng bộ tiêu chí công trình xanh để làm cơ sở thiết kế công trình xanh cũng như đánh giá và cấp chứng chỉ công trình xanh; 4) Đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh; 5) Các công trình được đầu tư công bằng vốn ngân sách Nhà nước cần được thiết kế và xây dựng đạt các tiêu chí công trình xanh để làm gương đi đầu, thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân noi theo; 6) Phát triển vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng công trình; 7) Sử dụng trang thiết bị trong nhà có hiệu quả năng lượng; 8) Sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có hiệu quả, tái sử dụng nước thải; 9) Hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình xanh. Bên cạnh đó, dự thảo chiến lược còn nêu các biện pháp chủ yếu và lộ trình thực hiện chiến lược; Tổ chức và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện. Các Thuật ngữ sử dụng trong bản dự thảo chiến lược cũng được giới thiệu trong phần Phụ lục.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Ngoài báo cáo chính, các đại biểu tham dự hội thảo còn được nghe báo cáo “ Các hoạt động công trình xanh ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và báo cáo “Giới thiệu về bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh Việt Nam” do PGS.TS. Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam trình bày.

Tại hội thảo lần này, ngoài các ý kiến góp ý bằng văn bản, đã có hơn 20 ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp trao đổi, thảo luận, góp ý đối với bản dự thảo chiến lược phát triển công trình xanh lần thứ 3. Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng trong xu thế phát triển của thế giới cũng như của Việt Nam, việc xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là cấp thiết và đồng thuận với các nội dung cơ bản, toàn diện mà dự thảo đã trình bày. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện câu chữ, văn phong, bố cục để trình các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành và có kế hoạch đưa vào triển khai chiến lược trong hoạt động thực tiễn. Để việc thực hiện chiến lược có kết quả, các đại biểu cũng đề nghị, bên cạnh việc Nhà nước thống nhất quản lý chiến lược quốc gia phát triển công trình xanh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính và cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa chiến lược. Các đại biểu cũng đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực phát triển công trình xanh ở nước ta cần sớm thảo luận, phối hợp và đi đến phương thức hoạt động thống nhất trong quốc gia, tránh hiện tượng phân tán, nhỏ lẻ hiện nay.

Về hệ thống các tiêu chí đánh giá công trình xanh, các đại biểu đề nghị nên lựa chọn và kế thừa kinh nghiệm của các nước có vị trí địa lý và khí hậu tương đồng với Việt Nam để xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh phù hợp với Việt Nam.

Trong lời phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng đã tranh thủ cung cấp thêm một số thông tin về kết quả hoạt động khoa học – công nghệ trong lĩnh vực phát triển công trình xanh ở nước ta trong thời gian vừa qua./.

Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo