Hoạt Động Hội
Thứ Bảy, 27/2/2016
Hội nghị BCH khóa VI Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam
Thực hiện quyết nghị của Ban Thường vụ Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam khóa VI tại cuộc họp Ban Thường vụ ngày 18 tháng 01 năm 2016, nhằm triển khai công tác năm 2016, vào ngày 27 tháng 02 năm 2016, tại Hà Nội, Ban Chấp hành (BCH) Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam khóa VI đã họp phiên thứ nhất kể từ ngày Đại hội (14/5/2015).
 
 
GS.TSKH Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội trình bày báo cáo tại Hội nghị
 
Tham dự kỳ họp này có hơn 50 ủy viên BCH, trong đó có cả các ủy viên từ các địa phương về dự hội nghị. Mặc dù mới trải qua đợt điều trị dài ngày, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch danh dự của Hội cũng đã tham dự và phát biểu với hội nghị.
Trước khi họp, toàn thể Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm hai đồng chí ủy viên BCH đã từ trần trong thời gian gần đây là TS. Nguyễn Thị Thu Hoà, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Ủy viên BCH và GS.TS. Lâm Minh Triết, Phó Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Hội, GS.TSKH Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đã trình bày báo cáo hoạt động trong nửa cuối năm 2015 và phương hướng hoạt động năm 2016 của Hội.
Báo cáo cho biết, ngay sau Đại hội, Hội đã sớm ổn định tổ chức, phân công, phân nhiệm các ủy viên Ban thường vụ, BCH và Văn phòng Hội; tiến hành hoàn thiện các quy chế quản lý công tác; xây dựng lại trang web của Hội với tên miền Moitruongxaydung.vn; làm các thủ tục giới thiệu GS.TSKH Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội vào BCHTW Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; đề cử Liên hiệp hội KH và KT Việt Nam “Vinh danh trí thức tiêu biểu” cho Nhà giáo ưu tú, GS.TS Trần Ngọc Chấn, Chủ tịch Hội đồng KH của Hội; hỗ trợ thủ tục cho TS. Lại Minh Chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Môi trường xây dựng của Hội được nhận Giải thưởng Môi trường Quốc gia năm 2015 và Giải thưởng sáng tạo KHCN... Nhìn chung, các hoạt động của Lãnh đạo và Văn phòng Hội đã đi vào nề nếp và đáp ứng được các yêu cầu hoạt động của Hội.
Hội đã coi công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Hội có nhiều chuyên gia tham gia Chương trình phát triển bền vững Quốc gia; các Tiểu ban kỹ thuật của Hội đồng nghiệm thu Quốc gia Nhà Quốc hội, sân bay Phú Quốc, đường sắt trên cao Hà Nội; các chuyên gia của Hội đã tham gia đóng góp ý kiến về các chủ trương chính sách của Nhà nước trong các hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hội đã thực hiện dịch vụ tư vấn đánh giá đáp ứng yêu cầu của QCVN 09:2013/BXD về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đối với hồ sơ thiết kế công trình thuộc Dự án công trình Văn phòng, Dịch vụ, Thương mại và Nhà ở tại lô đất B4 Khu đô thị mới Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội đã tiếp tục thực hiện các đề tài đã đăng ký hoàn thành vào cuối năm 2015 như biên soạn lại phần tải trọng gió của QCVN02:2009 thành QCVN; đề xuất lựa chọn các công trình hạ tầng kỹ thuật và phát triển bền vững đô thị; xây dựng TCVN trạm đốt chất thải rắn sinh hoạt – yêu cầu kỹ thuật. Các chi hội của Hội đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu KH các cấp với các bộ, ngành và thành phố về biến đổi khí hậu và công trình xanh; triển khai các dự án hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Thụy Sĩ.
Các chi hội là doanh nghiệp đã và đang tích cực nghiên cứu thiết kế, sản xuất các sản phẩm xanh. Trung tâm nghiên cứu KH Kiến trúc và Môi trường đã ký kết hợp tác với Nhật Bản về một số vấn đề như: dùng chế phẩm sinh học để khử ô nhiễm chuồng bò và tăng trưởng cây trồng; tẩy rửa Dioxin trong đất; dùng phụ gia để sản xuất gạch không nung; công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp nhiệt áp. Công ty Nhà Việt – ECO thuộc Chi hội TP. Đà Nẵng đã giới thiệu thiết kế bền vững / xanh với chính sách hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí thiết kế, hiện đang thực hiện 2 dự án nhà biệt thự và trường mẫu giáo; sử dụng vật liệu tái chế trang trí nội thất nhà hàng. Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tự động cùng Công ty cổ phần Kỹ thuật & Công nghệ cao Hải Phòng đã hoàn thành các thủ tục mua tài sản và thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất đèn LED với công suất sản phẩm là 250 MW/năm…
Có thể nói, hoạt động khoa học vẫn là điểm mạnh của Hội và vẫn đang được phát huy. Hiện Lãnh đạo Hội đang tích cực làm việc với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng về các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2016 và đăng ký kế hoạch các đề tài nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 – 2020.
Về công tác đào tạo, thông tin, tuyên truyền, Hội đã phối hợp với Hội Bảo vệ Môi trường và Hội Bất động sản TP. Hải phòng tổ chức thành công khóa tập huấn “ Kỹ năng ứng dụng QCVN 09:2013/BXD vào thực tiễn thiết kế và xây dựng công trình sử dụng năng lượng hiệu quả” vào tháng 10/2015. Một số chuyên gia của Hội tham gia các Hội thảo – Tập huấn về phổ biến và áp dụng QCVN 09:2013/BXD trong các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng và các nước, các tổ chức quốc tế (USAID, IFC, Cục năng lượng Đan Mạch) tổ chức tại các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lào Cai. Nhân dịp Đại hội VI, Hội đã tổ chức thành công Hội thảo “Các công trình hạ tầng kỹ thuật và phát triển bền vững đô thị”. Hội đã tham gia 2 Hội thảo về hoàn thiện QCVN 09:2013/BXD phần hiệu quả năng lượng do Bộ Xây dựng cùng USAID tổ chức vào tháng 01/2016. Hội đã báo cáo tuyên truyền về Kiến trúc xanh trong đội ngũ Kiến trúc sư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hội đã cử chuyên gia tham gia đoàn công tác của Bộ Công Thương tại Nhật Bản về dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đoàn công tác của Bộ Xây dựng trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực thi cơ chế chính sách, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng ở Thái Lan và Malaysia.
 
 
     
 
     
 
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Phương hướng hoạt động của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam năm 2016 tập trung vào một số công tác chủ yếu sau:
1) Liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho các chi hội hoạt động, góp phần nâng cao vai trò của các chi hội Môi trường Xây dựng ở các địa phương; tăng cường hỗ trợ các hội viên trong hoạt động khoa học và sản xuất; tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gia nhập hội để không ngừng tăng cường mạng lưới hoạt động của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
2) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý tốt để các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, không ngừng nâng cao uy tín khoa học của Hội. Tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2016 và các đề tài nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 – 2020 khi được Bộ Xây dựng phê duyệt.
3) Củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Xây dựng xanh Việt Nam (GBC Vietnam) để phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị hữu quan giúp Nhà nước tăng cường quản lý và phát triển phong trào Công trình Xanh ở Việt Nam. Tiếp tục tuyên truyền và ủng hộ việc Xanh hóa, đưa chương trình đào tạo về Công trình Xanh, Kiến trúc Xanh vào các trường ĐH Kiến trúc, Xây dựng; vận động và hỗ trợ các chủ đầu tư tích cực ứng dụng QCVN 09:2013/BXD để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm  với Hội đồng Công trình Xanh thế giới, khu vực. Tổ chức và tham gia các hội thảo về Công trình Xanh, Kiến trúc Xanh và Hiệu quả Năng lượng ở trong nước và quốc tế.
4) Tiếp tục nâng cao chất lượng trang web của Hội để cung cấp thông tin và tạo diễn đàn cho bạn đọc, hội viên trao đổi kinh nghiệm, thông báo kết quả hoạt động trong lĩnh vực Môi trường Xây dựng. Tăng cường kết nối và trao đổi thông tin với các cơ quan thông tin, báo chí của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam./.
Vacee

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo